Thương mại đa kênh giúp doanh nghiệp tiến gần hơn với thị trường quốc tế
Thứ Hai /  25/04/2022
Doanh nghiệp Việt đang đề cao việc chuyển đổi số trong kinh doanh, đặc biệt khi thế giới đang dần chuyển mình và kết hợp song song kênh offline truyền thống và online hiện đại.


Thương mại điện tử - xu hướng chính trong quan hệ giao thương hiện nay

Theo thống kê Việt Nam hiện có quy mô dân số hơn 100 triệu dân và tốc độ sử dụng Internet thuộc top đầu thế giới. Hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet, trong đó 53% người dân sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company nghiên cứu, Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), 55% trong số đó đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.

Ngày 23/3/2022, sàn thương mại điện tử Lazada công bố kết quả khảo sát về người tiêu dùng Đông Nam Á với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight. Đây là lần đầu tiên Lazada đưa ra khảo sát nghiên cứu diện rộng về hành vi mua sắm trực tuyến trên toàn khu vực Đông Nam Á từ 6.000 người tiêu dùng

Riêng tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát có 81% người tham gia cho biết việc mua hàng trực tuyến đã trở thành thói quen của họ; 85% người khảo sát cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng online kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát; có 59% người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần.

Người tiêu dùng của Việt Nam khá ưa chuộng hàng nội địa khi có 52% người tham gia khảo sát có xu hướng lựa chọn sản phẩm nội địa.

Năm 2022 tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 29% và năm 2025 có thể sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, thương mại điện tử của Việt Nam được cho là sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Tốc độ nhanh chóng của việc áp dụng thương mại điện tử đã thúc đẩy các doanh nghiệp ở Việt Nam chuyển sang sử dụng kỹ thuật số để tiếp cận khách hàng của họ, chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số tăng 23% vào năm 2021 so với năm trước và dự kiến ​​tăng 14% lên 934 triệu USD vào năm 2022.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần chú ý đến 4 yếu tố chính khi tiếp cận thương mại điện tử. Đầu tiên, kinh doanh đa kênh là xu hướng tốt nhất trong thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp thay vì chỉ lựa chọn một phương thức truyền thống là giao dịch trực tiếp thì nên đa dạng lựa chọn phương thức giao thương, mở rộng thêm các tệp khách hàng.

Tại hội thảo "Chiến lược chuyển đổi số và phát triển doanh nghiệp của bạn từ trong nước đến quốc tế", các doanh nghiệp đánh giá việc chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu thông qua sàn thương mại điện tử là vấn đề quan trọng cần quan tâm. Nhận định về xu thế kinh doanh qua sàn thương mại điện tử trong tương lai, một số doanh nghiệp tham gia Vietnam Expo 2022 chia sẻ với Mekong Asean rằng hình thức này sẽ phát triển song song với phương thức “offline” truyền thống.

Đại diện Công ty Sản xuất thương mại Bắc Ninh chuyên xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan cho biết, việc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp trong giao thương sẽ giúp doanh nghiệp tạo thêm lợi thế cho mình, bởi đây vốn là kênh phổ biến và đầy tiềm năng,

Theo đại diện CTCP Cánh Diều chuyên xuất khẩu mặt hàng cà phê chế biến cho biết, doanh nghiệp này hiện tiếp cận các thị trường “ruột” như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… theo phương thức sử dụng sàn thương mại điện tử. “Đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng đến phương thức giao thương trực tiếp. Cho nên việc chuyển chế độ online với các đơn hàng qua các thị trường cũ là bắt buộc”, đại diện CTCP Cánh Diều cho biết.



Chia sẻ của doanh nghiệp về thương mại điện tử. Ảnh: Anh Thư/Mekong Asean

Nhưng bên cạnh những lợi thế mà thương mại điện tử mang lại, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn: “Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong thời gian đầu tiếp cận giao thương qua sàn thương mại điện tử là tìm hiểu và lựa chọn kênh thương mại phù hợp, hiệu quả với sản phẩm đang kinh doanh", đại diện doanh nghiệp Cánh Diều cho biết.

Ngoài ra, việc dự tính chi phí cho điều hành một kênh thương mại điện tử với các doanh nghiệp mới chuyển đổi như Cánh Diều cũng tương đối khó. Đây cũng là khó khăn chung của mỗi doanh nghiệp khi chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên kệ điện tử.

Phía doanh nghiệp chưa có kênh thương mại điện tử, đặc biệt là kênh giao thương xuyên biên giới, có thể tiếp cận với Gian hàng Vietnam Pavillion – Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại quốc tế Alibaba.com. Đây là gian hàng hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Alibaba.



Lễ ra mắt Gian hàng Vietnam Pavillion.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, phía Cục sẽ có các chuyên gia thương mại điện tử để tư vấn cho doanh nghiệp trong suốt quá trình tham gia gian hàng. Đồng thời, phía Cục cam kết sẵn sàng phối hợp với các ban ngành địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn Alibaba.com.

 

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996