Để xuất khẩu an toàn dưới tác động xung đột Nga-Ukraine
Thứ Tư /  27/04/2022
Xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài hơn 2 tháng và vẫn đang tiếp diễn khiến việc XNK hàng hóa của các doanh nghiệp bị gián đoạn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để khắc phục, tránh rủi ro?


Công chức Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục cho hàng xuất nhập khẩu. Ảnh: T.H

Gián đoạn xuất khẩu

Tại Hội thảo "Giải pháp thích ứng an toàn cho hoạt động XNK trong bối cảnh khủng hoảng Nga- Ucraine" do Trung tâm Trọng tài quốc tế tổ chức vào cuối tuần qua, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, xung đột giữa Nga và Ukraine được xem là một trong những điểm nóng của toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp nền kinh tế của nhiều quốc gia. Cuộc chiến dẫn đến các lệnh cấm vận trừng phạt nên việc giao nhận hàng hóa bị trì hoãn, đứt đoạn, chi phí vận chuyển tăng, trở ngại trong thanh toán.

Chỉ rõ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: doanh nghiệp gặp khó khi vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Nga. Nhiều cảng ngừng hoạt động, không xếp dỡ hàng hóa. Giai đoạn đầu căng thẳng Nga - Ukraine, nhiều lô hàng bị kẹt tại cảng, việc giải quyết thanh toán cho các đơn hàng này rất gian nan. Hàng hóa của doanh nghiệp Việt sang Nga phải chuyển hướng sang một số cảng khác hoặc buộc phải quay về. "Vận chuyển bế tắc, đối tác đề nghị chuyển sang cảng khác như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó họ tìm cách đưa về Nga nhưng rất rủi ro", ông Hòe cho rằng khó khăn còn lan sang các thị trường xuất khẩu lân cận của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, trong những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga và Ukraine giảm sâu. Trong tháng 2, xuất khẩu chỉ đạt hơn 180 triệu USD, giảm 44,46% so với tháng 1; với Ukraine, xuất khẩu của Việt Nam sang nước này đạt gần 13 triệu USD, giảm 60,3% so với tháng trước đó. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không chịu tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, nhưng hệ lụy gián tiếp mà xung đột giữa 2 quốc gia này mang lại rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của hàng loạt hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn để ứng phó với bối cảnh biến động của thị trường. Cùng với đó cần được trang bị và được hướng dẫn các giải pháp về quản trị rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, xử lý tranh chấp để bình tĩnh hơn, có khả năng chống chịu cao hơn và phục hồi hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng giai đoạn tới.

Doanh nghiệp thay đổi để ứng phó

Theo các chuyên gia, xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi giải pháp để ứng phó, tránh rủi ro. Ông Trương Đình Hòe đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp. Cụ thể, với các đơn hàng đã giao, cần tiến hành những biện pháp thanh toán nhanh thông qua các kênh từ ngân hàng nước ngoài, ngân hàng tư nhân...; với đơn hàng đang trên đường giao hoặc có kế hoạch giao, nên kéo hàng về, hoãn hoặc hủy đơn hàng; các đơn hàng vẫn được giao theo yêu cầu khách hàng, nên thống nhất lại khâu thanh toán, thay đổi cảng và khách hàng chịu chi phí phát sinh; đồng thời tăng cường cập nhật thông tin từ các đối tác Nga, Ukraine để kịp thời giải quyết phát sinh.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lưu ý giải pháp cho những tác động gián tiếp, như tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra tại các quốc gia châu Âu; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường trước đây tiêu thụ gián tiếp nhiều thủy sản của Nga; vận dụng lợi thế của hiệp định trong Liên minh kinh tế Á - Âu cũng như các hiệp định khác để tăng xuất khẩu vào các thị trường lân cận…

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, với tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, đồng tiền thanh toán; rà soát lại các hợp đồng và hồ sơ pháp lý; chủ động đàm phán để hạn chế rủi ro trong thanh toán khi ký kết và thực hiện hợp đồng; tìm hiểu kỹ về cấm vận của các nước với Nga. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tranh thủ cơ hội, nghiên cứu các dòng hàng được hưởng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do để tận dụng, mở rộng thị trường.

Một trong những khâu vướng mắc lớn đối với các doanh nghiệp hiện nay là thanh toán quốc tế. Lưu ý doanh nghiệp vấn đề này, TS. Lê Hoàng Anh, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chọn thanh toán qua hệ thống thanh toán trung gian ở Trung Quốc, từ đó họ thanh toán cho đối tác tại Nga. Ngoài ra, doanh nghiệp chọn kênh khác đó là thanh toán qua kiều hối. Vấn đề quan trọng nhất với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là thanh toán phải an toàn.

Đưa ra khuyến nghị về tính an toàn của các kênh thanh toán mới này, PGS-TS Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định kiêm trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế chia sẻ, thông thường trong các hợp đồng xuất nhập khẩu, ngoài thông tin về doanh nghiệp, số địa chỉ liên lạc, sẽ kèm thêm số tài khoản ngân hàng, mã số kênh thanh toán SWIFT và các thông tin này được hai bên đồng ý. Trong trường hợp hai bên muốn thay đổi thì phải ký phụ lục văn bản, chứ không phải đơn phương thay đổi, thỏa thuận miệng, nhắn email hoặc gọi điện thoại là xong.

Bên cạnh đó, PGS-TS Võ Trí Hảo cũng cảnh báo, pháp luật Việt Nam quy định về thanh toán ngoại hối rất chặt chẽ. Việc chuyển kênh thanh toán mới nên thận trọng, vì không khéo sẽ vi phạm quy định thanh toán ngoại hối, rơi vào vòng giám sát nghi ngờ rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Các quốc gia khác khi bị đóng SWIFT, họ có thể chọn thanh toán bằng tiền kỹ thuật số, nhưng ở Việt Nam, việc thanh toán này không được chấp nhận. Song song đó, một số kênh thanh toán từ các nước khác cũng nên cân nhắc, vì không loại trừ khả năng người sử dụng sẽ bị giám sát, kiểm soát, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và chính trị.

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996