Làm ăn với đối tác Algeria: Thận trọng khâu thanh toán
Thứ Sáu /  13/12/2019
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Algeria, thời gian gần đây, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã gặp phải một số vấn đề với khách hàng Algeria. Theo đó, khi hàng đến cảng Algeria vì một số lý do, một số khách hàng không nhận hàng hoặc ép người bán phải giảm giá, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu (XK) Việt Nam. Do đó, để giảm thiểu rủi ro cần đặc biệt chú trọng khâu thanh toán

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Algeria, thời gian gần đây, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã gặp phải một số vấn đề với khách hàng Algeria. Theo đó, khi hàng đến cảng Algeria vì một số lý do, một số khách hàng không nhận hàng hoặc ép người bán phải giảm giá, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu (XK) Việt Nam. Do đó, để giảm thiểu rủi ro cần đặc biệt chú trọng khâu thanh toán

Đơn cử như trường hợp Công ty S.A.R.L Zima Food đã mua 1 container tiêu đen của Việt Nam, phương thức thanh toán là 100% nhờ thu (D/P) qua ngân hàng và đặt cọc 24% giá trị lô hàng. Khi hàng đến cảng, do giá hạt tiêu xuống thấp, khách không chịu lấy hàng. Công ty Việt Nam đã bay sang đàm phán các giải pháp, kể cả chấp nhận hạ giá bán nhưng khách không hợp tác để lấy hàng cũng như đưa hàng trở về Việt Nam hoặc bán cho khách khác mà chỉ đòi tiền đặt cọc. Sau khi hàng ở cảng quá 81 ngày, Hải quan Algeria đã bán đấu giá. Doanh nghiệp (DN) XK Việt Nam đã thuê luật sư ở Algeria kiện khách hàng ra tòa song đã hơn 2 năm, tòa án Algeria vẫn chưa xử xong.


Trong giao dịch thương mại quốc tế, DN cần lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp

Hay trường hợp khác là Công ty S.a.r.l Conimex International đã ký hợp đồng mua gạo Việt Nam với số lượng lớn, phương thức thanh toán là CAD at sight (giao chứng từ, trả tiền ngay). Khi hàng đến cảng, khách tự ý thay đổi phương thức thanh toán thành trả chậm 59 ngày kể từ ngày lấy bộ chứng từ. Với sự can thiệp của Thương vụ, khách đã phải hợp tác với DN XK Việt Nam để làm thủ tục tái xuất lô gạo về Việt Nam, tránh được rủi ro về thanh toán cũng như nguy cơ bị Hải quan Algeria bán đấu giá khi hàng nằm tại cảng quá 81 ngày. Tuy nhiên, DN XK Việt Nam đã phải trả chi phí lưu kho bãi, tiền vận chuyển hàng về nước với giá cao.

Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), khi làm ăn với các đối tác châu Phi, Trung Đông, DN thường gặp phải rủi ro trong thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở L/C. Thực tế, việc giao dịch giữa DN hai nước thường diễn ra trên mạng, nhiều DN Việt Nam vì tin lời phía đối tác, sẵn sàng chuyển khoản hàng nghìn USD làm tiền đặt cọc mà không hề qua các bước kiểm tra, thẩm tra cũng như tìm hiểu thông tin đối tác. Năm 2018, Bộ Công Thương đã xử lý một số trường hợp liên quan đến vấn đề này.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc Công ty TNHH VIETGO (một DN chuyên tư vấn XK) cho hay - thực tế đây không phải là vấn đề mới và đã nhiều lần được các cơ quan chức năng cảnh báo. Thương mại tự do đang mở ra cánh cửa cho nhiều DN làm ăn với các đối tác quốc tế, song trong giao dịch thương mại quốc tế, DN sản xuất hay XK đều phải có những phương thức phù hợp để giảm thiểu tối đa rủi ro.

Theo đó, DN XK nên áp dụng 2 hình thức thanh toán L/C tại ngân hàng hoặc chuyển tiền qua ngân hàng (TT). Hầu hết các phương thức còn lại như thanh toán đổi chứng từ đều không có lợi cho người bán hàng.

Cụ thể, với phương thức thanh toán đổi chứng từ, DN XK không được nhận tiền cọc từ bạn hàng. Đồng thời, phía bạn hàng yêu cầu sản xuất trước, gửi hàng đến cảng của phía bạn và giữ lại bộ chứng từ. Khi hàng đến cảng mới đổi chứng từ để lấy tiền. Điều này dẫn đến tình trạng hàng đã đến cảng nhưng bạn hàng từ chối thanh toán để ép giá. DN XK hoặc phải giữ hàng hóa lưu kho tại cảng trong thời gian dài, chịu phí lưu kho cao, hoặc phải chấp nhận giảm giá để nhận tiền. Cả hai trường hợp này, DN XK đều chịu thiệt.

Đối với 2 phương thức thanh toán còn lại, ông Nguyễn Tuấn Việt lưu ý, thanh toán L/C tại ngân hàng là hình thức an toàn nhất. Với phương thức TT, DN XK cũng nên yêu cầu phải nhận tiền cọc trước mới sản xuất. Khi hàng sản xuất xong và đưa đến cảng phía bạn, phải thu được 100% tiền trước khi trả chứng từ để khách hàng nhận hàng. Nếu phía bạn không trả tiền, DN có thể chấp nhận quay về với hàng và tiền cọc, giảm thiểu tối đa rủi ro.

Đồng ý kiến, Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến cáo, để chắc chắn trong khâu thanh toán, DN XK nên đề nghị khách hàng đặt cọc ít nhất 40-50% giá trị lô hàng hoặc sử dụng thanh toán bằng L/C không hủy ngang có xác nhận. trong trường hợp cần thiết, liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Algeria để nhờ hỗ trợ.

Theo quy định của Algeria, hàng đã vào cảng là thuộc quyền sở hữu của người mua dù chưa thanh toán, thậm chí chưa đặt cọc hay cầm bộ chứng từ gốc. Khi hàng nằm ở cảng quá 81 ngày, Hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá, sung công quỹ. Việc thuê luật sư khởi kiện tại Algeria tốn kém và thủ tục kéo dài. Lợi dụng điều này, một số khách hàng Algeria thường gây khó dễ cho DN Việt Nam, nhất là khi hàng đã đến cảng.

 

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996