Xuất siêu kỷ lục với 13,5 tỷ USD
Thứ Tư /  16/09/2020
Trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại cả nước đã xuất siêu gần 13,5 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD).

Thành tích xuất siêu gần 13,5 tỷ USD là một điểm cộng bởi từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Xuất siêu cũng mang lại những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin thị trường cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất như hiện nay thì việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động kích cung, tức kích thích sản xuất trong nước.

Theo con số của Tổng cục Hải quan công bố chiều 14/9, trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 50,4 tỷ USD, trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 27,7 tỷ USD, tăng 11,4% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 22,7 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng trước.


Xuất siêu kỷ lục trong 8 tháng đầu năm 2020

Với sự khởi sắc trong tháng 8, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 336,92 tỷ USD; trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019.

Để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, mới đây, Bộ Công Thương đã công bố Danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2019. Danh sách được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường... Đây là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Từ nay đến cuối năm, để duy trì những kết quả đạt được, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc, tổng hợp Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các Kế hoạch này. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.

Ngoài ra, triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.

 

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996