Vượt rào cản phi thuế quan để mở rộng xuất khẩu nông, thuỷ sản vào Nga
Thứ Ba /  30/11/2021
Vài năm gần đây, XK nông, thuỷ sản sang Nga có cải thiện rõ rệt, song còn chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng NK nông, thuỷ sản của Nga. Vượt qua các rào cản phi thuế quan, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đảm bảo nguồn cung đồng đều, số lượng lớn...

Thị trường lớn, thị phần hàng Việt nhỏ

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, Nga là thị trường NK nông, thuỷ sản lớn nhất tại khu vực Đông Âu, hầu hết NK nông, thuỷ sản nhiệt đới. Dự kiến tổng kim ngạch ngoại thương của quốc gia này trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 720 tỷ USD.

 

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cafatex-Hậu Giang. Ảnh: TTXVN

Nông, thuỷ sản Việt còn nhiều cơ hội thúc đẩy XK sang thị trường này. Mới đây, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) đã đưa 76 nước, trong đó nhiều nước là đối thủ XK nông, thuỷ sản của Việt Nam ra khỏi danh sách ưu đãi thuế quan khi XK vào khối EAEU. Trong khi đó, hiện nay hầu hết nông, thuỷ sản Việt Nam XK vào khối đều được hưởng ưu đãi thuế nhờ FTA Việt Nam-EAEU (EAEU FTA). Ngoài lợi thế do FTA đem lại, hiện DN có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy XK vào Nga nhờ món ăn Việt ngày càng phổ biến tại Nga, được người tiêu dùng ưa thích. Hầu hết trung tâm thương mại lớn tại Nga đều có món ăn Việt.

Tuy nhiên, ông Minh cũng đề cập tới góc độ dù XK nông, thuỷ sản Việt sang Nga tăng đáng kể sau khi EAEU FTA có hiệu lực, song vẫn chiếm thị phần khiêm tốn tại thị trường này. Các loại nông sản như chè, hạt điều, tiêu, cá phile chiếm thị phần lớn trong tổng trị giá hàng hoá XK vào Nga nhưng lại chủ yếu dưới dạng thô.

Ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga thông tin thêm, XK nông, thuỷ sản của Việt Nam sang Nga hiện mới chiếm 1,1% tổng kim ngạch XK hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Nga XK nông, thuỷ sản sang Việt Nam mới chiếm 1,4% tổng kim ngạch XK nông, thuỷ sản của Nga.

Ở góc độ đại diện cho DN XK thuỷ sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: 10 tháng năm 2021, XK thuỷ sản vào Nga đạt trên 140 triệu USD, tăng 4% so với cả năm 2020 và 31% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không đột phá nhưng mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Các sản phẩm chính XK vào Nga gồm: tôm (chiếm 33%), cá tra (14%)... trong tổng trị giá XK.

Tuy nhiên, nhìn nhận cả giai đoạn từ khi EAEU FTA có hiệu lực đến nay, thương mại giữa Việt Nam và khối EAEU còn khiêm tốn. Khó khăn nổi cộm DN phải đối mặt hiện nay là chi phí vận tải, cước vận chuyển tăng; thanh toán bằng đồng USD nên việc tỷ giá giữa đồng Rub và đồng USD không ổn định đã tác động đáng kể đến XK của DN. “Đáng chú ý, các hàng rào phi thuế quan như quy định an toàn thực phẩm, kiểm dịch chất lượng của Nga khá chặt chẽ theo quy định riêng của Nga cũng như theo EUEAFTA là vấn đề khiến DN ‘đau đầu’. Lượng DN được cấp phép XK vào Nga còn hạn chế so với tiềm năng; thủ tục đăng ký phức tạp, thời gan kéo dài”, bà Lan nói.

Tương tự, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin thêm, dù hiện nay Liên bang Nga đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng nước này vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm NK chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế như EU, Ủy ban CODEX.

Điều chỉnh chỉ tiêu an toàn thực phẩm

Bà Tô Thị Tường Lan kiến nghị, thời gian tới cần tăng cường trao đổi hợp tác nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thanh toán song phương bằng đồng nội tệ như Nga đang áp dụng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ..; đồng thời xem xét mở đường vận chuyển liên vận Việt Nam-EAEU bằng đường tàu hoả để giảm áp lực khi vận chuyển bằng đường tàu biển; xem xét tăng lượng DN thuỷ sản Việt Nam được XK vào thị trường Nga.

Để thúc đẩy XK nông, thuỷ sản vào Nga, ông Dương Hoàng Minh cho rằng, DN Việt cần chủ động hơn nữa trong khảo sát thị trường, tham gia các triển lãm chuyên ngành tại Nga, tìm hiểu xu hướng tiêu dùng. Phần lớn DN Việt thành công thâm nhập thị trường Nga là thông qua các hội chợ, triển lãm. Cùng với đó, các hợp tác xã cần đảm bảo sản xuất đồng đều, số lượng lớn, làm tốt công tác bảo quản sau thu hoạch, sử dụng bao bì mẫu mã hợp thị trường. “DN cũng cần nghiên cứu, tăng đầu tư vào Nga với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh lớn như cà phê, thuỷ sản, trái cây…”, ông Minh nói.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga và Cơ quan giám sát an toàn động thực vật Liên bang Nga tăng cường hợp tác kỹ thuật, mở cửa thị trường. “Đề nghị ký thoả thuận hợp tác kỹ thuật về SPS (các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật-PV) nhằm hỗ trợ, phối hợp để xử lý các vấn đề liên quan đến giao thương 2 nước. Đây là điều rất cần thiết nhằm thực hiện tốt hơn EAEU FTA. Theo đó, DN Nga được XK thịt sang Việt Nam và DN Việt Nam được XK thuỷ sản, trái cây nhiệt đới sang Nga nhiều hơn”, ông Tiệp nói.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với cơ có quan thẩm quyền của Nga soát xét điều chỉnh 1 số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện hơn nữa cho DN 2 nước; đề nghị Nga hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm…

 

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996