Xuất nhập khẩu hàng hoá 10 tháng năm 2024: Xuất khẩu tăng mạnh
Thứ Năm /  07/11/2024
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm gần đạt con số 650 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hoá tăng 14,9%.

Xuất khẩu tăng cao, xuất siêu mạnh

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%.

Về xuất khẩu hàng hoá, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 295,23 tỷ USD, chiếm 88,0%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 113,58 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 292,57 tỷ USD, chiếm 93,7%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 sơ bộ xuất siêu 1,99 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.

Về các mặt hàng, điện thoại và linh kiện, máy tính điện tử và linh kiện hiện đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhấn mạnh, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất đóng vị trí then chốt trong nền kinh tế, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của quốc gia và có tác động mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Mặt hàng điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 52,8 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng mạnh 27,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 79,1 tỷ USD, chiếm tới 28,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị nhập khẩu dẫn đầu. Việc nhập khẩu nhóm mặt hàng này gia tăng, tập trung vào nguyên phụ liệu là dấu hiệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Xuất nhập khẩu hàng hoá 10 tháng năm 2024: Xuất khẩu tăng mạnh
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta

Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác chính là dệt may. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), xuất khẩu dệt may thu về 1,5 tỷ USD. Kết quả trên đưa kim ngạch xuất khẩu dệt may từ đầu năm đến 15/10 đạt 28,85 tỷ USD. Như vậy, bình quân mỗi ngày, xuất khẩu dệt may mang về kim ngạch hơn 100 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng 2,62 tỷ USD (tương đương tốc độ tăng trưởng 10%).

Hiện, dệt may là ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 4 của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang ấm dần và đã tăng trưởng trở lại như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada… riêng thị trường EU mức tăng trưởng còn thấp. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn hàng của doanh nghiệp dệt may hồi phục tương đối tốt. Nửa cuối năm 2024, tăng trưởng của ngành dự kiến tăng 15% so với nửa đầu năm.

Hướng đến mục tiêu 800 tỷ USD

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nêu rõ, hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu nói chung đang gặp phải nhiều rủi ro bên ngoài, nhất là rủi ro đến từ yếu tố địa chính trị, bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, kinh tế thế giới (nhất là một số đối tác chính như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ…) đang tăng trưởng chậm lại, khiến đà phục hồi của xuất khẩu và đầu tư bị ảnh hưởng; tăng trưởng đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp.

Đối với dệt may, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là việc đáp ứng các chứng chỉ xanh được yêu cầu từ thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn. Ngay cả Trung Quốc cũng đưa ra hàng loạt đòi hỏi về sản phẩm dệt may. 5 năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam không thể tăng giá được đơn hàng do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố xanh trong hoạt động sản xuất đã cản bước tăng giá thành sản phẩm may mặc.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may đã đi trước về chứng chỉ xanh trong 5 năm gần đây, nếu không thì không có đơn hàng như hôm nay. Để đạt được các chỉ tiêu xanh, doanh nghiệp phải đầu tư tận gốc, quản trị số, robot hóa là tất yếu. Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện ngành dệt may đã có các nhà máy robot hóa. Như Công ty quốc tế Phong Phú, nhà máy ở quận 9, robot hóa, đạt các chuẩn mực tiêu chuẩn xanh.

Hoặc đối với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Nông sản Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là chất lượng không đồng đều.

Ví dụ, sầu riêng đang là mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng nhất hiện nay, nhưng khi xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất thì hầu hết nhà phân phối đều cho rằng chất lượng không ổn định. Nhiều lô hàng, tỷ lệ quả bị sượng lên đến 30% và nếu không có sự cải thiện thì sầu riêng Việt sẽ dễ mất thị phần.

Thứ hai là việc cải tiến mẫu mã và đóng gói bao bì cũng là hạn chế. Khi đưa đi xuất khẩu, các nhà phân phối đòi hỏi bao bì, mẫu mã phải vừa bắt mắt, đồng thời tiện lợi cho người sử dụng.

Chính vì thế, các doanh nghiệp bên cạnh việc nâng cao chất lượng, cũng cần chú trọng đến bao bì sản phẩm. Song song với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại sản phẩm cả trên nền tảng trực tiếp và trực tuyến.

Tuy vẫn còn một số khó khăn song các chuyên gia dự báo, với đà tăng như hiện tại, năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt con số 800 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay.

Lan Phương

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996