Kinh tế số chiếm khoảng 4,5% -15,5% GDP toàn cầu
Thứ Sáu /  21/08/2020
Theo Báo cáo Kinh tế số 2019 của UNCTAD, kinh tế số chiếm khoảng 4,5% -15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây.

Sáng 28/7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá 2020 (Diễn đàn VOIEF 2020). Đây là hoạt động thiết thực với mong muốn hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp triển khai chuyển đối số thành công, tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

Chuyển đổi số mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, Diễn đàn VOIEF 2020 được tổ chức trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.

Theo Sách trắng Việt Nam và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.

Giữa đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội toàn thế giới cũng như nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam nổi lên là một trong những nước hàng đầu phòng chống dịch hiệu quả và nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 240 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư hơn 5.46 tỷ USD. Trong khó khăn chồng chất, những con số này đã phản ảnh nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. 

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

Trong khi đó, theo Báo cáo Kinh tế số 2019 của UNCTAD, kinh tế số chiếm khoảng 4,5% -15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.

Yêu cầu cấp bách của quá trình chuyển đổi số

Thông tin tại Diễn đàn cho thấy, 6 tháng đầu năm xuất nhập khẩu đã chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD, giảm 2,9%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: hàng dệt, may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%.

Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây cũng thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính. Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18,000 tỷ USD. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.

 

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996