XUẤT, NHẬP KHẨU NĂM 2023 NỖ LỰC PHỤC HỒI, TẠO ĐÀ BỨT PHÁ CHO NĂM 2024
Thứ Hai /  19/02/2024

Trong 5 năm 2018 – 2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động xuất, nhập khẩu tuy suy giảm nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, sang năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; nhu cầu hàng hóa thế giới và một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc EU, ASEAN, Nhật Bản sụt giảm; thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục thu hẹp; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng đã khiến nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại. Theo IMF, tăng trưởng thương mại thế giới dự kiến đạt 0,9% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4,9% của giai đoạn 2000-2019.

Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 không đạt được như kỳ vọng. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%[1]. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%).

Xuất, nhập khẩu năm 2023 có sự hỗ trợ rất lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế, giúp Việt Nam hợp tác thương mại với nhiều quốc gia hơn và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa năm 2023 của Việt Nam mặc dù chưa phục hồi mạnh, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể sẽ là tiền đề hướng đến sự khởi sắc trong năm 2024.

Mức suy giảm đã được thu hẹp

Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể


[1] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 731,3 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 371,7 tỷ USD, tăng 10,6%; nhập khẩu đạt 359,6 tỷ USD, tăng 8%.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,5 tỷ USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước; đến 9 tháng, mức giảm chỉ còn 11% và kết thúc năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỷ USD, mức giảm chỉ còn 6,6%, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%.


Từ tháng Một đến tháng Tám năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức giảm đã được thu hẹp và từ tháng 9 thì tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã tăng trưởng dương. Trong đó, tháng 9 tăng 2,8%; tháng 10 và tháng 11 cùng tăng 6,3%; tháng 12 ước tính tăng cao 12,7%.

Xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản tăng cao

Xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản năm 2023 được đánh giá là thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 28,15 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2022, là nhóm hàng duy nhất tăng trưởng dương trong số 4 nhóm hàng xuất khẩu chính. Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, lâm sản chiếm tỷ trọng 7,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.

Các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, trong đó nhiều sản phẩm nông sản tăng cả về giá trị và lượng so với năm trước như: Rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng mạnh nhất 65,9%; gạo đạt 4,8 tỷ USD, tăng 39,4% (lượng tăng 17,4%); cà phê đạt 4,2 tỷ USD, tăng 3,1%; hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 17,6% (lượng tăng 23,4%). Việt Nam đã xuất khẩu 8,3 triệu tấn gạo; 3 triệu tấn sắn và sản phẩm của sắn; 2,2 triệu tấn cao su; 1,6 triệu tấn cà phê, 0,6 triệu tấn hạt điều.

Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục phục hồi.

Trong năm 2023, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực vươn lên, tiếp tục là nhóm hàng dẫn đầu thị trường xuất khẩu và đến cuối năm đạt mức tăng trưởng dương. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng này giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng từ tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tăng trở lại với mức tăng nhẹ 0,7%. Kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mở rộng thị trường với sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ‘xanh’

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa đạt xuất siêu từ một số thị trường chính là: Hoa Kỳ ước đạt 83 tỷ USD, giảm 12,6% so với năm trước; EU ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 7,6%; Nhật Bản 1,6 tỷ USD, tăng 90,3%. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu một số thị trường chính là:  Trung Quốc 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%; Hàn Quốc 29,1 tỷ USD, giảm 23,3%; ASEAN 8,3 tỷ USD, giảm 37,2%.


Điểm sáng xuất khẩu trong năm 2023 là nhờ điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Trung Quốc trở thành thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước tính tăng 6,4% trong cả năm 2023, trong khi các thị trường lớn khác đều giảm. Hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc những năm qua vẫn không ngừng phát triển. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc trong năm 2023 ước đạt 173,2 tỷ USD, là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với Việt Nam.

Tuy nhiên, với vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với Trung Quốc chưa xứng với tiềm năng của hai bên, xuất, nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Trong năm 2023, Việt Nam đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, để thấy khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chưa tăng mạnh cho thấy đơn hàng xuất khẩu dù đã phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn.

Bước sang 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhìn vào những thay đổi của thị trường, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán ‘xanh’ trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải.

Trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Xuất, nhập khẩu năm 2024 có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng khi vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

VP Hà Nội

  • Hotline: 090.337.69.96

VP HCM

  • Hotline: 0937.186.996