Xuất khẩu dệt may tăng trưởng hơn nửa tỷ đô
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2/2024), xuất khẩu dệt may thu về 960 triệu USD. Kết quả này đưa kim ngạch từ đầu năm đến 15/2 đạt gần 4,1 tỷ USD, tăng 18,23% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 630 triệu USD).
Nửa đầu tháng 2 (1-15/2/2024), xuất khẩu dệt may thu về 960 triệu USD
Đây là kết quả hết sức khả quan khi năm 2023 vừa qua ngành hàng dệt may đối mặt nhiều khó khăn khi kim ngạch chỉ đạt 33,33 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm tới 4,27 tỷ USD) so với năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 1/2024), Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường quan trọng nhất của ngành hàng dệt may. Cụ thể, xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt 1,32 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 387 triệu USD, tăng 55,2%; Hàn Quốc đạt 285 triệu USD, tăng 17%...
Xuất khẩu tôm tăng mạnh tháng đầu năm
Tháng 1,xuất khẩu tôm đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ 2023, trong đó hàng sang Trung Quốc chiếm 42 triệu USD.
Đây là số liệu vừa được Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố dựa trên thống kê từ hải quan. Theo VASEP, xuất khẩu tôm tăng mạnh tháng đầu năm là tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh năm nay.
Tháng 1, xuất khẩu tôm đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ 2023
Trong số các thị trường xuất khẩu chính, tôm Việt sang Trung Quốc tăng trưởng gần 3 lần đạt 42 triệu USD tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 17,5%. Tại thị trường này, tôm Việt đang cạnh tranh với hàng Ecuador, nhưng đối thủ này đang gặp nhiều bất lợi khi mất an ninh ngành tôm và nguồn cung khó khăn. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho tôm Việt ở thị trường Trung Quốc.
Cũng tăng trưởng bứt phá, xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn tiếp nối đà tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2023, tăng 77% đạt 41 triệu USD trong tháng 1.
Tại thị trường Mỹ, Việt Nam chiếm 10% thị phần, đứng thứ 4 sau Ấn Độ (36%), Ecuador (22%), Indonesia (18%). Năm 2023, tôm nguyên liệu bóc vỏ được nhập nhiều nhất vào Mỹ.
Tương tự, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng đầu năm nay tăng trưởng lần lượt 30% và 21% đạt 37 triệu USD và 23 triệu USD.
Theo VASEP, nguyên nhân khiến tôm xuất khẩu tăng mạnh là do nhu cầu sử dụng dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Ngoài ra, sau một thời gian "thắt lưng buộc bụng", người tiêu dùng cũng mạnh dạn chi tiêu hơn trước đó.
Mặc dù tín hiệu đầu năm lạc quan, theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung còn nhiều thách thức. Các đơn hàng đầu năm còn chậm, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador...
Hiện, nguồn cung nguyên liệu đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp. Ngoài ra, lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản với nhà nhập khẩu ở Mỹ và các công ty xuất khẩu Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê đứng top 2 trong lĩnh vực nông nghiệp
Trong 2 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu cà phê bất ngờ vượt qua thuỷ sản khi đạt 1,38 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cà phê vượt qua thuỷ sản, vươn lên đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu cà phê đứng top 2 trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 1,38 tỷ USD
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, giá gạo đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%.
Riêng giá hạt điều 5.405 USD/tấn, giảm 6%; sắn và sản phẩm sắn giá xuất khẩu đạt 259 USD/tấn, giảm 2,8%…
Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng cho biết, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Theo đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ tăng 77,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 47,9%, chiếm 21%; sang Nhật Bản tăng 29,2%, chiếm 7,2%.
Xuất khẩu cá ngừ bứt phá trong tháng 1 năm 2024
Thông tin mới công bố từ VASEP, dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 1/2024 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 79 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023, do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Tháng 1/2024 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 79 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ
Tuy nhiên, nếu so sánh từ 2018 trở lại đây thì doanh số tháng 1/2024 vẫn cao hơn so với mức trung bình hàng năm khoảng 46%. Các chuyên gia VASEP đánh giá, đây thực sự là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm mới 2024.
Theo đó, VASEP thông tin, nhóm 10 thị trường xuất khẩu cá ngừ chính của Việt Nam trong tháng 1/2024 đã thay đổi, gồm các thị trường: Mỹ, Israel, Nga, Canada, Nhật Bản, Italy, Đức, Hà Lan, Thái Lan và Ba Lan. So với cùng kỳ năm 2023, trừ Thái Lan, xuất khẩu sang các thị trường còn lại đều tăng cao.
Tại khối thị trường EU, việc mở lại hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang tạo đà đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này trong tháng đầu năm. xuất khẩu sang hầu hết các nước EU đều tăng mạnh. Trong đó, Italy vẫn tiếp tục dẫn đầu về giá trị nhập khẩu trong tháng 1/2024, với mức tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Cùng với Italy, xuất khẩu sang Ba Lan và Thụy Điển cũng tăng “phi mã”.
Còn tại khối thị trường Trung Đông, mặc dù tiếp tục bị tác động của cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nhưng xuất khẩu sang một số thị trường tại khu vực này đang tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang Israel tăng 43%, Ai Cập tăng 43%...
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm tăng mạnh trên 50%
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 354 triệu USD (trong đó sản phẩm gỗ đạt 217 triệu USD).Tính chung từ đầu năm đến 15/2, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt kim ngạch hơn 1,82 tỷ USD (trong đó sản phẩm gỗ đạt hơn 1,24 tỷ USD), tăng tới 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 600 triệu USD).
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm tăng mạnh trên 50%
Năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm chỉ đạt gần 13,5 tỷ USD, giảm tới 15,9% so với năm 2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 821 triệu USD (cập nhật theo thị trường của Tổng cục Hải quan hết tháng 1/2024), tăng 123,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với 170 triệu USD, tăng 35,3%; Nhật Bản với 163 triệu USD, tăng 27,3%; Hàn Quốc với 70 triệu USD, tăng 9,7%...
Ngọc Ngân