TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
|
TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) |
Nửa đầu năm 2024, xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế với mức tăng trưởng rất cao. Ông nhận định gì về những yếu tố đã giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian qua?
Theo con số của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy, đây là con số tăng trưởng rất cao, là điểm sáng của nền kinh tế.
Nguyên nhân của mức tăng trưởng này là nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới khi lạm phát bắt đầu hạ so với năm 2022, 2023. Thời gian qua, các nền kinh tế lớn của thế giới đã rục rịch giảm lãi suất, kích thích tiêu dùng gia tăng. Bên cạnh đó, trong 2 năm vừa qua, các nhà mua hàng đã giải phóng hết lượng hàng tồn kho tích trữ trong giai đoạn dịch Covid-19 và bắt đầu tăng nhập khẩu hàng hoá, dẫn đến nhu cầu gia tăng.
Ở trong nước, các doanh nghiệp đã chuẩn bị rất kỹ cho giai đoạn nhu cầu hàng hoá tăng trưởng trở lại bằng cách chuẩn bị nguồn hàng dồi dào. Khi nhu cầu hàng hoá thế giới có xu hướng tăng trở lại, doanh nghiệp đã chớp thời cơ, đẩy mạnh việc đưa hàng hoá ra thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu các đơn hàng.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu đều giảm rất mạnh. Đây cũng là dư địa để ta có được con số tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng trong 6 tháng đầu năm nay.
|
Kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2024 tăng trưởng rất cao (Ảnh: Cấn Dũng) |
Không chỉ xuất khẩu mà nhập khẩu hàng hoá cũng có mức tăng trưởng rất cao trong nửa đầu năm với con số 17%. Ông đánh giá gì về mức tăng trưởng nhập khẩu này?
Tôi cho rằng việc gia tăng nhập khẩu hàng hoá là tín hiệu tốt của nền kinh tế. Lý do là bởi hàng hoá nhập khẩu chiếm đa số là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Nếu so với con số giảm đến 18,4% của tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2023 thì việc tăng trưởng đến 17% của nửa đầu năm nay cho thấy các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh nhập khẩu nguyên phụ liệu về phục vụ sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá trong thời gian qua và cả những tháng tới.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2024, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt mức 6%. Với những kết quả đã có được trong 6 tháng đầu năm, ông nhận định gì về mục tiêu này của Bộ Công Thương?
Theo quan điểm của tôi, 6 tháng cuối năm, dư địa cho xuất nhập khẩu hàng hoá sẽ còn rộng mở. Bởi các ngân hàng trung ương tại các thị trường lớn của hàng hoá Việt như Mỹ, Anh sẽ có động thái giảm lãi suất. Dù mức giảm có thể ở mức chưa cao nhưng đây cũng là động thái tốt, giúp tạo thuận lợi cho kinh tế tăng trưởng trở lại, kích cầu tiêu dùng và giúp gia tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá. Đây là cơ hội tốt cho hàng hoá Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị và hiện đã tận dụng tương đối tốt các FTA. Cho nên tôi cho rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng trưởng 6% là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, tôi cho rằng mục tiêu không chỉ là đạt kim ngạch xuất khẩu cho năm 2024 mà còn là mục tiêu dài hơn hơn. Bởi lẽ Việt Nam dù còn là một nước nghèo, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá còn nhiều hạn chế, song hiện nay, Việt Nam đã lọt vào Top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất. Rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng Top đầu xuất khẩu như: Gạo, hạt tiêu, dệt may… tức là đã có thể xếp Việt Nam vào một trong những cường quốc về xuất khẩu. Cho nên cần phải có sự ứng xử xứng với vị trí cường quốc. Đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.
Hiện nay, khi ta đã ký kết các FTA, hàng rào thuế quan hạ xuống song các hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng tăng lên. Các quy định của thị trường EU như chống đánh bắt IUU cho thuỷ hải sản, Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU; các quy định an toàn thực phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc… khiến hàng hoá ngày càng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Đây là xu hướng của thế giới và dự báo sẽ ngày càng khắt khen hơn, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng hoặc rời khỏi “cuộc chơi”.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, đưa hàng hoá vào được các thị trường “ngách” nhưng nhiều tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… bên cạnh cạnh thị trường truyền thống. Từ đó giảm bớt rủi ro khi hàng hoá bị phụ thuộc vào một thị trường.
Ông đánh giá gì về nỗ lực của Bộ Công Thương trong góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá thời gian qua?
Tôi cho rằng, Bộ Công Thương đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tích chung.
Cụ thể, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hoá. Hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung nhiều hơn vào các nhóm mặt hàng hoặc thị trường cụ thể nhằm hỗ trợ hàng hoá của doanh nghiệp tiếp cận nhiều bạn hàng ở nhiều thị trường hơn.
Song song với đó, Bộ Công Thương đã hỗ trợ doanh nghiệp hiểu và tận dụng ngày càng tốt hơn các FTA đã ký kết.
Ngoài ra, Bộ Công Thương nỗ lực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ đối với hàng hoá xuất khẩu mà cả hàng hoá nhập khẩu. Nhờ đó, hỗ trợ hàng hoá nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đây vẫn sẽ là những giải pháp mà Bộ Công Thương cần tích cực triển khai trong thời gian tới nhằm góp phần duy trì đà tăng của kim ngạch xuất khẩu hàng hoá.
Xin cảm ơn ông!