Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10 (1-15/10/2024) đạt 15,78 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 968 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2024.
|
Nhập khẩu hàng hóa có chiều hướng giảm nhẹ trong nửa đầu tháng 10. (Ảnh. M.H) |
Một số nhóm hàng giảm đáng chú ý như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 481 triệu USD, tương ứng giảm 10%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 156 triệu USD, tương ứng giảm 7,2%;
Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/10/2024, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 294,66 tỷ USD, tăng 17,5% (tương ứng tăng 43,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 16,82 tỷ USD, tương ứng tăng 25,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 5,5 tỷ USD, tương ứng tăng 17,2%; sắt thép các loại tăng 1,76 tỷ USD, tương ứng tăng 22,1%; vải các loại tăng 1,48 tỷ USD, tương ứng tăng 14,7%...
Riêng tổng kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 187,72 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 26,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho hay, trong 9 tháng năm 2024, có 6 thị trường/khu vực thị trường nhập khẩu tăng trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường có mức tăng mạnh nhất, tăng 25,63 tỷ USD; tiếp theo là ASEAN tăng 3,9 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 3,15 tỷ USD và Đài Loan (Trung Quốc) tăng 2,97 tỷ USD; Kuwait tăng 1,8 tỷ USD và EU tăng 1,18 tỷ USD. Tính chung, giá trị nhập khẩu trong 9 tháng năm 2024 của 6 thị trường này tăng 38,63 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và bằng 94% mức tăng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Riêng với thị trường Trung Quốc, trong 9 tháng năm 2024, tổng trị giá nhập khẩu từ thị trường này đạt 104,81 tỷ USD, đã tăng mạnh tới 32,4%, tương ứng tăng 25,63 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 35% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Nguyễn Hạnh