Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ: Hỗ trợ doanh nghiệp vươn tầm quốc tế
Ngày 31/7/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương long trọng tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ, kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến. Sự kiện quy tụ hơn 300 đại biểu đến từ các cơ quan, doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đồng chủ trì Hội nghị là Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Ông Trần Văn Mi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
Hội nghị đánh dấu sự kiện thứ 5 trong chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước do Bộ Công Thương tổ chức trong năm 2024. Mục tiêu của chuỗi sự kiện là tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu.
Vùng Đông Nam Bộ, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, đóng vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% diện tích và gần 20% dân số cả nước, khu vực này là trung tâm kinh tế năng động, dẫn đầu về hội nhập, phát triển công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước. Vùng cũng thu hút 11.390 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% tổng vốn FDI của nền kinh tế.
Về xuất nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt tại gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, tập trung vào các thị trường truyền thống, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...
Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ phát triển rõ nét, thể hiện qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án trọng điểm như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc; cùng với việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng chỉ ra những vấn đề cần giải quyết: đóng góp của vùng vào GDP cả nước có xu hướng giảm, trong khi tiềm năng dư địa, lợi thế rất lớn; công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý…
Để phát huy vị trí, vai trò của vùng, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung vào việc thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp; phát huy tối đa các nguồn lực…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh cùng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các FTA Việt Nam đã ký kết.
Bà Trương Phương Thoa, Giám Đốc trung tâm khu vực phía Nam của Tập Đoàn OSB Group
OSB đồng hành hỗ trợ cho quý doanh nghiệp về xúc tiến thương mại thông qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com, nhằm kết nối doanh nghiệp với thị trường quốc tế, mở rộng thị phần xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ là dấu ấn quan trọng, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong khu vực tiếp tục phát triển, vươn tầm quốc tế, góp phần vào sự thịnh vượng chung của đất nước.