Tăng cường quản lý thuế với kinh doanh online
Trong 90.204 người kinh doanh online thì cá nhân, hộ kinh doanh chiếm đa số: 64.813 người, chiếm tỉ lệ 72%.
Còn lại là 25.391 doanh nghiệp, chiếm 28% tổng số lượng mã số thuế.
Do số lượng người kinh doanh online tại TP.HCM quá lớn nên để đảm bảo quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM cho biết đã triển khai tổng thể các giải pháp quản lý thuế.
Cụ thể là khai thác, rà soát và cập nhật cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử được xây dựng từ cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế và các bộ ngành có liên quan.
Rà soát, đôn đốc và hỗ trợ các chủ sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Song song đó là thanh kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.
Tăng cường công tác quản lý thuế lĩnh vực truyền hình, truyền thông, sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng mạng xã hội...
Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm nay Cục Thuế TP.HCM đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thương mại điện tử về quản lý thuế theo quyết định số 313 của UBND TP.HCM.
Cụ thể Cục Thuế TP.HCM đã có số liệu khai thác trên Cổng thông tin thương mại điện tử từ quý 4-2022 đến hết quý 1-2024 đối với 159 sàn thương mại điện tử, 158 website, 145 app.
Theo đó, tổng số tổ chức và cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong nước trên địa bàn TP.HCM là 90.204 người.
Cục Thuế TP.HCM cho biết nơi này đã rà soát và xử lý về thuế đối với 7.134 người nộp thuế, trong đó có 2.187 doanh nghiệp, 4.947 hộ kinh doanh, cá nhân.
Qua đó đôn đốc, hỗ trợ người nộp thuế kê khai, nộp thuế 1.298 tỉ đồng. Ngoài ra đã xử lý đối với 1.318 người nộp thuế với số thuế truy thu và phạt là 72,02 tỉ đồng.
Trong đó có 1.260 hộ, cá nhân kinh doanh bị truy thu, phạt với số thuế là 66,7 tỉ đồng, xử lý 58 doanh nghiệp với số truy thu và xử phạt là 5,32 tỉ đồng.
Gần một nửa dân số Việt Nam mua sắm online
Theo thống kê, Việt Nam có tỉ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á: 49,3 triệu người, tương đương 41% dân số.
Riêng ba tháng đầu năm nay, báo cáo của E-commerce Metric cho thấy tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đã đạt mức 71,2 nghìn tỉ đồng, tăng đến 78,69% so với cùng kỳ năm 2023.
Con số này vượt xa những dự báo trước đó.
Có tổng cộng hơn 766 triệu đơn hàng được giao thành công tới người tiêu dùng trong quý 1, tăng 83,21% so với cùng kỳ năm 2023.
Với hàng loạt chương trình khuyến mãi, người dân hiện có xu hướng chi tiêu mạnh mẽ hơn và mua sắm trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu.
Dự kiến trong quý 2 tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỉ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, tăng tương ứng 19,2% và 13,57% so với quý 1 năm nay.
Sự phát triển quá mạnh mẽ của thương mại điện tử đã tạo ra những thách thức cho cơ quan quản lý trong việc làm thế nào để đảm bảo quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế…