Chặng đường từ 0 – 1 của doanh nghiệp xuất khẩu "4 số không"
"Chúng tôi xuất khẩu từ con số 0 – không có người, không nguồn lực, không có tiền và không có thời gian. Các doanh nghiệp hay tập trung vào triệu USD, còn tôi thấy ở lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến sự không giới hạn".
"Doanh nghiệp có rất nhiều "cửa" có thể làm, quan trọng nhất là đi từ 0 – 1 thế nào và tiến tiếp các mốc phát triển ra sao", chị Xuân Hải Yến – Phó Giám đốc và Cofounder Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline Việt Nam – chia sẻ.
Chị Yến là một trong ba nhà bán hàng thương mại điện tử xuất sắc nhất Việt Nam của Giải thưởng Nhà lãnh đạo Thương mại Điện tử (KEL Award) do nền tảng Alibaba.com phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức.
Proline mở gian hàng trên Alibaba từ năm 2016, nhưng bỏ không tới 2 năm. Tập trung sinh con thứ 2, để phần việc cho Giám đốc công ty là chồng mình làm, sau khi trở lại công ty, chị phát hiện ra mình đang "mua đất trồng cỏ mà bất động sản không lên giá".
Chừng cuối năm 2017 đầu 2018, chị Yến lao vào vừa làm vừa học, bởi chưa từng xuất khẩu, không biết báo giá hay FDA (một loại chứng nhận bắt buộc đối với các doanh nghiệp, tổ chức muốn đưa sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ thuộc danh mục quản lý của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA) là gì.
"Proline lên sàn chỉ với 1 sản phẩm duy nhất là túi chống tĩnh điện dùng trong linh kiện điện tử, điện thoại".
"Cứ nghĩ nhiều quốc gia, nhiều khách hàng sẽ cần sản phẩm của mình, đi ra mới vỡ không phải vậy. Tôi nhận được rất nhiều thư hỏi hàng liên quan đến sản phẩm khác mà mình không sản xuất được", chị Yến kể.
4 tháng sau, Proline có đơn hàng đầu tiên đi Mỹ. Một đơn hàng rất nhỏ, 50.000 túi trị giá 1.750 USD, nhưng là liều thuốc về mặt tinh thần, là cột mốc đi từ 0 đến 1 của chị Yến và Proline.
"Traffic is King", tăng doanh thu lên 3 lần, có 100.000 đơn hàng sỉ/năm
Từ việc cung cấp chỉ 1 sản phẩm, Proline mở rộng theo hướng cung cấp giải pháp bao bì tổng thế, như túi đựng thực phẩm, túi hút chân không, túi zipper…
"Với đặc thù là hàng bao bì, nên khách hàng sẽ nhập đều đặn. Các đơn cứ hơn 100.000 USD, mỗi lần đi là 1 container 40 feet hoặc container 20 feet", chị Yến cho biết.
Năm đầu tiên chính thức bước vào xuất khẩu TMĐT trực tuyến, Proline chỉ đi được 2 thị trường, đến nay xuất khẩu trên 15 quốc gia. Trước không có nhân viên, giờ đội ngũ của Proline khá tinh gọn với 5 người.
"Proline đang là doanh nghiệp Verified Supplier của Alibaba.com. Trong thời đại này, 'Traffic is King'. Doanh nghiệp nào nhiều traffic sẽ có nhiều cơ hội hơn. Tôi không phải là người có nhiều tiền nên không 'đốt tiền' vào quảng cáo mà kết hợp organic traffic và page traffic, tận dụng các công cụ trên sàn và AI để tối ưu vận hành sao cho hiệu quả và đơn giản", chị Yến chia sẻ.
Verified Supplier là nhà cung cấp đã được xác thực, là một trong số các cấp độ nhà cung cấp tin cậy theo phân hạng của Alibaba, bên cạnh nhà cung cấp Trade Assurance và Gold Supplier.
Bên cạnh chị Yến, hai đại diện khác cũng được vinh danh nhà bán hàng thương mại điện tử xuất sắc nhất Việt Nam là anh Cấn Quang Sáng - Giám đốc Marketing Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Vihaba, và chị Hà Thị Thu – Quản lý Thương mại điện tử ban Kinh doanh quốc tế của tập đoàn Karofi.
Theo đại diện Alibaba, trong khi Proline đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn mang giải pháp bao bì ra quốc tế, thì Vihaba muốn giải quyết "nỗi đau" của nông dân có nông sản mà không xuất khẩu được, còn Karofi lại muốn mang máy lọc nước xuất đi cả Châu Phi.
Ba nhân vật trên cũng sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự Vòng chung kết Khu vực của KEL Award, dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối năm 2024.
"Với TMĐT, cái thiếu nhất giữa người bán và người mua là lòng tin. Làm sao từ bài đăng, con người… để có được niềm tin của khách hàng ngay từ bước đầu tiên làm việc, chỉ như vậy mới có đối tác lâu dài", chị Yến chia sẻ.
Bình An